Chiều ngày 27 tháng 12 năm 2020, tại Trung tâm Hội nghị Tỉnh Lào Cai,  đoàn công tác Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh (HUFI) do PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã tham gia tọa đàm tại diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai 2020”.

Quang cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị

Về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đồng chí Dương Đức Huy Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Lào Cai, Lãnh đạo các sở ban ngành, Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Lào Cai, Đài phát thanh – truyền hình, Báo Lào Cai và một số hãng thông tấn báo chí Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh Lào Cai  và một số diễn giả, đặc biệt với sự góp mặt của hơn 100 đại biểu thanh niên ưu tú đại diện hơn 150 ngàn đoàn viên thanh niên tỉnh Lào Cai.


PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn đã đưa ra một số gợi ý cho tỉnh Lào Cai về công tác khởi nghiệp, như:

Thứ nhất, Tỉnh Lào Cai sở hữu những kỳ quan thiên nhiên nhiên đất nước như Phanxipăng, Vùng đất Sapa - Trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam, đây là một trong những điểm nhấn của kinh tế du lịch của Lào Cai, cũng là nơi đón nhận nguồn nước từ hai con sông nổi tiếng là Sông Hồng và Sông Chảy. Khi đến Lào Cai người ta cũng nghĩ ngay đến chiến thắng Phố Ràng nổi tiếng của liệt sỹ, nhà văn Trần Đăng một thời mà mỗi chúng ta đã ngồi trên ghế nhà trường đều biết, Đền thờ Tướng quân Hoàng Bảy, một vị tướng anh hùng vùng đất Tây Bắc, vùng đất du lịch đầy tiềm năng Nghĩa Đô - Bảo Yên, hay mê mẩn trước vẻ đẹp của vùng đất du lịch Bắc Hà, Si Ma Cai, Y TÝ, Hoàng Thu Phố - Những nàng công chúa ngủ trong rừng đầy thương nhớ.

Thứ hai, hiện nay về phát triển nông nghiệp, Lào Cai đã và đang có nhiều sản phẩm chủ lực cần khuyến khích ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất như: Chè, Quế, Gạo chất lượng cao, cây dược liệu, rau trái vụ, cây quả ôn đới, gia súc, gia cầm bản địa và cá hồi, cá tầm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh đã được chứng nhận OCOP (One commune, one product - mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh như chè Shan hữu cơ Bắc Hà, chè Shan Mường Khương, Chè Cao Sơn, Chè Phong Hải, mận Bắc Hà, Tương ớt Mường Khương, Dược liệu Actiso SaPa, Miến dong Bản Xèo, Gạo Séng cù, quế Bảo Thắng, Bảo Yên, Cá hồi SaPa, Bưởi múc Bảo Thắng, Chuối tiêu hồng Lào Cai, Su Su SaPa...

Thứ ba, Lào Cai đang dẫn đầu du lịch khu vực Tây Bắc nhưng vẫn chưa sánh vai được với các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu… về nguồn thu, quy mô và các dịch phụ phụ trợ. Thực tế cho thấy tiềm năng, thế mạnh của Lào Cai không thua kém các địa phương khác mà Lào Cai đang nỗ lực tập trung từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đặc trưng có giá trị cao, nguồn nhân lực du lịch đa dạng phong phú để thu hút du khách, góp phần xây dựng “ngành công nghiệp không khói” ngày càng phát triển, đồng thời lan tỏa thương hiệu “điểm đến, điểm nhấn” tại Lào Cai đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn đã giới thiệu đội ngũ, cơ sở vật chất và công tác đào tạo nghiên cứu khoa học của HUFI với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đồng thời đưa ra một số đề xuất có thể phối hợp giữa HUFI và tỉnh Lào Cai cùng thực hiện một số công việc như:

Thứ nhất, HUFI sẽ cử chuyên gia giúp tỉnh xây dựng Đề án “Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa”, “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng đến mục tiêu tăng giá trị sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập, chủ động sản xuất và cung ứng để lan tỏa sản phẩm, thương hiệu đến người sử dụng trong và ngoài nước.

Thứ hai, trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất có tính tập trung, đầu tư thâm canh tăng vụ, bố  trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống hợp lý để giảm tối thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Thứ ba, các chuyên gia thủy sản của HUFI có thể hướng dẫn việc quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng thủy sản (cá tầm, cá hồi nước lạnh) theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng triệt để công nghệ sinh học trong sản xuất truyền thống. Đảm bảo phục vụ tại chỗ đầy đủ giống cây, giống con, phân bón, thuốc trừ sâu… để không làm giãn đoạn quá trình sản xuất.

Thứ tư, HUFI phối hợp giúp Tỉnh giải quyết việc làm cho thanh niên (đặc biệt thanh niên dân tộc) bằng cách huấn luyện kỹ năng, đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn cho nông dân, nhất là những nơi chuyển đổi đất nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu đưa tỷ lệ  lao động qua đào tạo nghề đến năm 2025 đạt 50-75%.

Thứ năm, HUFI hỗ trợ đào tạo ngắn hạn, dài hạn nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt là nhân lực phục vụ ngành du lịch hay đào tạo cấp giấy phép hành nghề du lịch cho hướng dẫn viên và công ty du lịch trên địa bàn để đảm bảo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương sẽ chủ động hoàn toàn được công tác tổ chức và phát triển du lịch, đồng thời phát triển, đa dạng các sản phẩm du lịch, mở thêm các tua, tuyến để phục vụ du khách được tốt hơn đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người.

Thứ sáu, HUFI có thể cử các giảng viên, chuyên gia giúp Tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu, marketing và thương mại các sản phẩm đặc hữu của địa phương.

Trung tâm TS&TT