Sáng ngày 09/5/2025, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài diễn ra tại Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động thực hiện theo Kế hoạch năm 2025 và Kế hoạch số 802/KH-BGDĐT ngày 01/7/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu là đại diện các đơn vị tổ chức thi của Việt Nam khu vực phía Nam từ TP. Đà Nẵng trở vào.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Đến tham dự buổi Hội thảo, về phía Bộ GDĐT có sự hiện diện của TS. Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GDĐT; ông Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn bằng, chứng chỉ - Bộ GDĐT cùng các đồng chí là các bộ chuyên viên của Cục Quản lý chất lượng, đại diện các sở GDĐT khu vực phía Nam từ ; đại diện các doanh nghiệp, các cơ sở GD có tham gia liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực tại Việt Nam ở phía Nam.
Về phía Trường Đại học Công Thương TP. HCM có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô đang công tác tại Nhà trường.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm quyền lợi của người dự thi đồng thời bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước về hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam. Hoạt động chính của Hội thảo là lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GDĐT đã nhấn mạnh tầm quan trọng và tác động sâu rộng của văn bản đối với các đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ. Vì lý do đó, Bộ tổ chức Hội thảo này và trân trọng đề nghị các tổ chức, đơn vị cũng như các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp, cụ thể vào Dự thảo, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nếu có. Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để tổng hợp, nghiên cứu, từ đó ban hành Thông tư phù hợp với các quy định cấp trên, đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu của các bên liên kết và bảo vệ quyền lợi của người dự thi.
TS. Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GDĐT phát biểu tại buổi hội thảo
Sau phát biểu khai mạc của Phó Cục trưởng Lê Mỹ Phong, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn bằng, chứng chỉ đã báo cáo tóm tắt tổng thể về công tác tổ chức thi Năng lực ngoại ngữ 6 bậc của nước ngoài sau khi quá trình triển khai Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Báo cáo những thay đổi căn bản trong thông tư dự kiến ban hành gồm những nội dung đã được bãi bỏ, những nội dung được sửa đổi bổ sung và 1 số các điểm mới. Phần lớn thời lượng của hội thảo lại sẽ dành để lắng nghe những ý kiến đóng góp đến từ quý vị đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức thi và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, đại diện các cơ sở GDĐT.
Theo báo cáo, Bộ GDĐT đã ban hành 193 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đối với 07 ngôn ngữ, 26 loại chứng chỉ; 28 cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của nước ngoài, 255 cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam với 323 địa điểm thi trên toàn quốc. Việc phê duyệt cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Báo cáo cũng đề cập đến những tồn tại, bất cập và định hướng, mục tiêu ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT nhằm đổi mới công tác quản lý hoạt động này theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tôn trọng các quy định của các tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội và phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Lắng nghe những ý kiến đóng góp đến từ quý vị đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức thi và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, đại diện các cơ sở GDĐT.
Với sự tham gia tích cực của gần 100 đại biểu và sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GDĐT, hội thảo đã tạo điều kiện để các bên liên quan cùng chung tay nâng cao chất lượng công tác thi cử, đồng thời góp phần thúc đẩy việc phát triển năng lực ngoại ngữ của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trường Đại học Công Thương TP.HCM tự hào là đơn vị tổ chức hội thảo, góp phần vào những sáng kiến cải cách và đổi mới trong công tác giáo dục, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp.
Hội thảo đã tạo điều kiện để các bên liên quan cùng chung tay nâng cao chất lượng công tác thi cử, góp phần thúc đẩy việc phát triển năng lực ngoại ngữ của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ban biên tập website HUIT
TT TS&TT
Xem thêm :