Hành trình 4 chị em cùng học dưới mái trường chung đã cùng nhau viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình học tập và trưởng thành tại cùng một ngôi trường – Trường Đại học Công Thương TP.HCM (tên gọi hiện tại sau nhiều lần thay đổi từ năm 1982 đến nay). Hành trình ấy không chỉ là minh chứng cho sự gắn bó của gia đình với tri thức, mà còn thể hiện rõ nét chất lượng đào tạo và tinh thần tận tâm của đội ngũ giảng viên nhà trường.
Người khởi đầu hành trình là chị hai Phạm Thị Phương Thanh, sinh năm 1986 theo học ngành Công nghệ Thông tin tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM – tên gọi của nhà trường giai đoạn trước năm 2010. Với chị, những kỉ niệm đáng nhớ và thú vị nhất là những buổi học thực hành máy tính trên lớp. Ngày ấy gia đình còn khó khăn, chưa có điều kiện mua máy tính phục vụ cho việc học, vậy nên chị đã rất thích thú và dành nhiều thời gian cho những môn thực hành trên trường. Ngoài ra, còn có sự tận tình dìu dắt của thầy cô đã để lại dấu ấn sâu sắc trong những năm tháng tuổi trẻ.
Chị hai Phạm Thị Phương Thanh theo học ngành Công nghệ Thông tin tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM năm 2004
Tiếp bước chị hai là chị Phạm Thị Phương Thảo, một cô gái năng nổ đầy nhiệt huyết, theo học ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM - Năm 2010, Trường chính thức đổi tên thành Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 284/QĐ-TTg. Trong thời gian học tập, Phương Thảo là Phó Bí thư của Khoa Quản trị Kinh doanh, tham gia công tác Đoàn – Hội, là thành viên tích cực trong Ban truyền thông và hỗ trợ tuyển sinh của trường. Chính những hoạt động sôi nổi đó đã gắn kết Thảo với người bạn đời tương lai Nguyễn Lê Trung, cũng là sinh viên Khoa Công nghệ Cơ khí của trường khi cả hai cùng sinh hoạt trong Ban truyền thông.
Giờ đây, họ là một cặp đôi thành công, sau 8 năm ra trường từ kiến thức được học trên giảng đường, Phương Thảo được trải nghệm làm nhiều công việc như sale, marketing, HR, L&D,... quá trình làm việc cũng đạt được sự tin tưởng của lãnh đạo công ty, được đề bạt lên vị trí cao như trưởng nhóm, trưởng bộ phận. Ngoài ra, Thảo còn đang vận hành kinh doanh thêm chuỗi cửa hàng giặt sấy hiện đại. Còn Lê Trung hiện là thành viên đồng sáng lập của Công ty TNHH SX - TM CƠ KHÍ VIỆT MEKONG , một công ty sản xuất máy móc về chế biến thực phẩm đúng với ngành học Công nghệ Cơ khí của mình. Tình yêu của họ bắt đầu từ giảng đường, và tiếp tục lớn lên cùng những hoài bão và khát vọng từ mái trường thân quen.
Phương Thảo và Lê Trung trong Lễ tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm năm 2018
Phương Thảo chia sẻ: “Em nhớ vào năm 2004 khi theo chị hai đến trường nhận tài liệu. Với 1 cô bé tầm 8-9 tuổi mới ở quê lên lần đầu tiên được nhìn thấy ngôi trường cao tầng, với những chiếc máy bay to đùng bay ngang trên đầu là những cảm xúc tuyệt đẹp khó tả. 10 năm sau đó, em chính thức trở thành sinh viên trường. Và giờ đây với tư cách là cựu sinh viên khoá 05 về thăm lại trường cũ, em rất vui mừng khi thấy được sự phát triển, đổi mới của nhà trường từ cơ sở vật chất hiện đại, phòng học khang trang, các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học cũng không ngừng đổi mới khiến em cảm thấy rất tự hào”.
Cô em út Phạm Thị Quỳnh Như với tấm bằng tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM
Còn cô em út Phạm Thị Quỳnh Như, chính là người khép lại hành trình bốn chị em với tấm bằng tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh loại khá tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM (tên gọi chính thức từ năm 2023 theo Quyết định số 789/QĐ-TTg). Hiện tại, Quỳnh Như đang làm việc tại Ngân hàng SHB, tự tin bước vào đời nhờ hành trang tri thức và kỹ năng được rèn luyện trong suốt 4 năm đại học.
Cả bốn chị em đều đồng lòng khi nói về một điểm chung lớn nhất mà họ nhận được từ nhà trường đó là sự tận tâm của đội ngũ giảng viên, các thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn tiếp thêm sự tự tin, tư duy đổi mới – những yếu tố quan trọng giúp họ thích nghi nhanh chóng với môi trường làm việc cạnh tranh. “ Xin gửi lời tri ân chân thành đến Trường Đại học Công Thương TP.HCM, nơi đã chắp cánh cho biết bao ước mơ, trong đó có một gia đình với bốn trái tim cùng nhịp đập yêu thương dành cho tri thức và sự cống hiến”, chị hai Phạm Thị Phương Thanh chia sẻ.
Anh chị ba trong lễ Tốt nghiệp của cô em út Quỳnh Như
Hành trình của cô em út khép lại bằng lễ tốt nghiệp là cột mốc đáng nhớ, không chỉ với riêng cô mà còn là niềm tự hào chung của cả gia đình. Bốn chị em – bốn chặng đường khác nhau nhưng đều chung một mái trường Đại học Công Thương TP.HCM. Một tình yêu với tri thức, và một niềm biết ơn sâu sắc đến những người thầy, người cô đã không ngừng truyền lửa cho biết bao thế hệ học trò.
Được thành lập từ năm 1982, trải qua nhiều lần nâng cấp đổi tên đến nay Trường ĐH Công thương TP HCM có gần 35.000 người đang theo học ở các bậc từ cử nhân đến thạc sĩ và tiến sĩ với 13 khoa đào tạo và 37 ngành bậc đại học; 13 ngành thạc sĩ và 07 ngành tiến sĩ. Theo thống kê của Trường Đại học Công thương TP HCM, hơn 90% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, trường đã không ngừng cải tiến, đổi mới từ chương trình đào tạo đến cơ sở vật chất, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và nhu cầu của thị trường lao động.
Ban biên tập websit HUIT
TT TS&TT