Đó là đánh giá của TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM tại Lễ khai giảng Khóa đào tạo Cố vấn và hành trình Mentoring tại khu vực Đông Nam Bộ.
Khóa đào tạo thu hút đông đảo học viên là các Giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng khu vực Đông Nam Bộ và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp.
Phát biểu tại Lễ khai giảng Khóa đào tạo, TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM bày tỏ vinh dự được đồng hành cùng khóa đào tạo này. Ông đánh giá, đây là một chương trình rất hữu ích. Bởi hiện nay, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh mẽ, trong đó, hạt nhân trung tâm là các doanh nghiệp startup. Do đó, để startup được thành công thì cần phải có các nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động startup.
Theo TS. Thái Doãn Thanh, hiện nay, nhiều cuộc thi khởi nghiệp diễn ra trên rất nhiều mặt trận khác nhau, nhưng, đội ngũ mentor phục vụ cho hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Chính vì vậy, nhu cầu để có các mentor hiểu biết đầy đủ các kiến thức, các kỹ năng là rất cần thiết.
TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM phát biểu tại Lễ Khai giảng Khóa đào tạo.
“Vừa qua, Trường đại học Công Thương TP.HCM cũng đã phối hợp với Techfest Việt Nam, cùng với nhiều “làng” công nghệ đổi mới sáng tạo và họ đã đặt hàng rất nhiều mentor. Bởi những “làng” này tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan đến startup và mời nhiều chuyên gia để đánh giá, hướng dẫn và cố vấn, nhưng cũng chưa thật sự có được nhiều người tham gia”, TS. Thái Doãn Thanh chia sẻ.
Đánh giá về Khóa đào tạo, TS. Thái Doãn Thanh cho rằng, đây là lần thứ 4, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp triển khai thực hiện hoạt động này. Đây là một hoạt động có ý nghĩa rất lớn và quan trọng trong chiến lược phát triển về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, ông cũng hy vọng rằng, các học viên tham gia Khóa đào tạo này sẽ thấy được vai trò của mình là không chỉ học cho cá nhân, mà còn thực hiện trách nhiệm cộng đồng đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các đại biểu tham dự Lễ khai giảng Khóa đào tạo.
“Nếu mỗi chúng ta thành công thì hoạt động đổi mới sáng tạo chung cũng sẽ thành công. Là những người tiên phong trong hoạt động này, các anh chị có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ các hoạt động Khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt, trong việc triển khai các hoạt động đào tạo. Mong rằng, các anh chị học viên sẽ phát huy được tiềm năng của mình. Kết thúc khóa học này, các anh chị sẽ trở thành những mentor có uy tín và tham gia vào nhiều hoạt động trong hệ sinh thái về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, TS. Thái Doãn Thanh chia sẻ thêm.
Được biết, Khóa đào tạo này nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2023, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức. Đối tượng tham gia khóa đào tạo gồm các cố vấn khởi nghiệp, Giảng viên Đại học/Cao đẳng, Chuyên gia khởi nghiệp, Doanh nhân (hoạt động trên 5 năm), Lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc.
Học viên của Khóa đào tạo chụp hình lưu niệm cùng với các đại biểu.
Đây là năm thứ Tư, Ban tổ chức đưa đào tạo cố vấn về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào nội dung hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mục đích nhằm trang bị những kỹ năng cố vấn cơ bản cho các học viên để sau này sẽ giảng dạy, cố vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng và tham mưu về chính sách, kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.
Khóa đào tạo sẽ kéo dài trong 3 ngày. Buổi cuối của khóa học, Ban tổ chức rất muốn mời các học viên cùng Giao lưu - tọa đàm về kinh nghiệm cố vấn trong thực tiễn; Xây dựng mạng lưới cố vấn khởi nghiệp địa phương, vai trò của cố vấn khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, các hoạt động kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp địa phương…
Ban biên tập Web HUIT
TT TS&TT
Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp