Sau nhiều vòng chỉnh sửa, bản thảo bài báo của bạn đã được chấp nhận đăng. Chúc mừng bạn! Cùng với những cảm giác vui mừng, bạn cũng như hầu hết các tác giả khác mong muốn bài báo của mình được nhiều người tìm kiếm, đọc và trích dẫn. Tuy nhiên, nhiều tác giả chỉ mong muốn chứ không có bất cứ một hành động gì để làm cho bài báo của mình được nhiều người biết tới. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ một số chiến lược giúp tăng khả năng nhận diện (visibility) bài báo đã được xuất bản của bạn.

      Thứ nhất, gửi bài vào những tạp chí có chỉ số tác động (Impact Factor) hoặc chỉ số trích dẫn (CiteScore) cao. Việc này cần thực hiện trước khi bài báo được chấp nhận đăng, cụ thể là ngay từ bước lựa chọn tạp chí để gửi bản thảo. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bài báo được xuất bản ở một tạp chí có chất lượng cao sẽ được nhận diện và có khả năng được trích dẫn nhiều hơn (Williams, 2018).

      Thứ hai, xuất bản với tác giả nước ngoài. Việc cộng tác với một nhà nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt với những người có uy tín trong lĩnh vực để viết bài và xuất bản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn như khả năng bài báo được chấp nhận cao hơn, bài báo khi được đăng sẽ có nhiều nhà khoa học quốc tế biết đến hơn.

      Thứ ba, thực hiện xuất bản bài báo dưới chế độ mở (Open Access Publication). Điều này giúp bài báo của bạn đến với độc giả được dễ dàng hơn. Tuy nhiên bạn cần trả một mức phí có thể không nhỏ cho hình thức xuất bản này.

      Thứ tư, đăng bài báo của bạn (hoặc đường link) lên mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo…) hoặc mạng lưới của cộng đồng học thuật (Google Scholar, ResearchGate, Mendeley, ORCID, LinkedIn…). Lưu ý với những bài báo không được xuất bản mở thì cần tuân thủ các quy định của tạp chí về chia sẻ bài báo.

      Thứ năm, chia sẻ dữ liệu nghiên cứu của bạn. Cùng với xuất bản mở, dữ liệu mở (open data) đang được khuyến khích. Bạn có thể chia sẻ dữ liệu về bài báo ở một số website như figshare (https://figshare.com/), Dryad Digital Repository (https://datadryad.org/stash)Mendeley Data (https://data.mendeley.com/) (University of Pittsburgh, n.d.). Độc giả quan tâm tới dữ liệu của bạn thì sẽ tìm đọc bài báo của bạn.

      Thứ sáu, trình bày bài báo của bạn tại các hội thảo khoa học. Bạn có thể tận dụng các cơ hội để báo cáo các nội dung trong bài báo mới đăng của mình tại các hội thảo khoa học chuyên ngành. Điều này sẽ giúp nghiên cứu của bạn đến với cộng đồng học thuật và nghiên cứu một cách dễ dàng hơn (Lê Thị Tuyết Trinh và cộng sự, 2020).

  Thứ bảy, đăng tải thông tin về bài báo của bạn lên website của Kudos (https://info.growkudos.com/). Đây là một website miễn phí cung cấp các công cụ và hỗ trợ để giúp các tác giả tối đa hóa khả năng nhận diện bài viết của mình. Kudos cho phép bạn giải thích, chia sẻ và đo lường tác động của nghiên cứu cả trong và ngoài cộng đồng khoa học của bạn. Nhiều nhà xuất bản uy tín trên thế giới như Emerald, Sage, Springer, Wiley… đã hợp tác với Kudos để hỗ trợ các tác giả tăng ảnh hưởng và nhận diện bài báo của họ.

      Việc xuất bản một bài báo khoa học đòi hỏi nhiều công sức và sự quyết tâm của một nhà nghiên cứu. Bài báo của bạn khi được xuất bản sẽ thực sự có ý nghĩa khi nó được nhiều nhà khoa học khác biết đến và trích dẫn. Nhận biết và triển khai một số chiến lược như đã trình bày ở trên có thể giúp bài báo của bạn tăng khả năng nhận diện trong cộng đồng khoa học.

Tài liệu tham khảo

Lê Thị Tuyết Trinh, Phạm Văn Thuần, Nguyễn Chí Thành, & Nguyễn Thu Trang. (2020). Chiến lược tăng khả năng nhận diện kết quả nghiên cứu. Trong Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trần Trung và Nguyễn Tiến Trung (chủ biên), Công bố khoa học giáo dục theo hướng tiếpcận quốc tế (tr. 303-322). NXB Giáo dục Việt Nam.

University of Pittsburgh. (n.d.). How to increase the visibility of your research? https://pitt.libguides.com/researchvisibility

Williams, S. (2018, January 25). How to maximize your study’s visibility by choosing the right journal. Wiley. https://www.wiley.com/network/professionals/healthcare-publishing-trends/how-to-maximize-your-studys-visibility-by-choosing-the-right-journal

TS. Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.