Ngày 27/6/2025, tại Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT) đã chính thức khai mạc Hội thảo quốc tế về Phát triển bền vững trong nông nghiệp và thực phẩm, Lần 1 - 2025 (ICA 2025) với chủ đề “Tương lai ngành Nông nghiệp, Thực phẩm – Xu hướng và thách thức” do Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Foggia, Trường Đại học Sunderland, Trường Đại học Northumbria, Trường Đại học HELP, Trường Đại học Shinawatra tổ chức, nhằm góp phần thúc đẩy nghiên cứu về các lĩnh vực khoa học, công nghệ trong và ngoài nước.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu diễn văn khai mạc, Nhà giáo ưu tú. PGS.TS. Lê Thị Hồng Ánh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: “Trong bối cánh thế giới đang đối mặt với những biến động sâu sắc về môi trường, thực phẩm và công nghệ. ICA 2025 ra đời với sứ mệnh tạo dựng 1 diễn đàn học thuật liên ngành, nơi quy tụ những tư duy đổi mới, giải pháp thực tiễn và tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và thực phẩm. Được thành lập từ năm 1982, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh tự hào là 1 trong những cơ sở  giáo dục đại học tiên phong tại Việt Nam trong định hướng đào tạo đa ngành ứng dụng và khởi nghiệp. Với phương châm “ Nhân văn – Đoàn kết – Đổi mới – Tiên phong”, chúng tôi luôn nỗ lực kết nối tri thức và cộng đồng, thúc đẩy sáng tạo và lan tỏa giá trị học thuật”.

Phát biểu diễn văn khai mạc, Nhà giáo ưu tú. PGS.TS. Lê Thị Hồng Ánh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Cũng tại Hội thảo, Giáo sư Maria Cecilia Mancini – Phó Hiệu trưởng phụ trách Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Parma (Ý), đại diện các diễn giả quốc tế phát biểu, đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám hiệu Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh vì sự đón tiếp nồng hậu và tổ chức chuyên nghiệp. Bà cũng hy vọng hội thảo lần này không chỉ là điểm khởi đầu cho nhiều hợp tác khoa học giữa các đại học và viện nghiên cứu, mà còn là cầu nối bền chặt cho các sáng kiến chung trong đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Giáo sư Maria Cecilia Mancini – Phó Hiệu trưởng phụ trách Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Parma (Ý) đại diện các diễn giả quốc tế phát biểu

Hội thảo ICA 2025 tiếp nhận hơn 300 tóm tắt từ hơn 80 trường, viện, doanh nghiệp trong và ngoài nước, 170 bài toàn văn được gửi về tham dự. Sau thời gian phản biện nghiêm túc, Ban tổ chức đã chọn lọc và chấp nhận 112 bài báo khoa học đến từ nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước, tập trung vào các chủ đề: Nông nghiệp thông minh, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; Công nghệ thực phẩm xanh và bền vững; Kinh tế tuần hoàn, phát triển nông thôn và chuyển đổi số; Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực toàn cầu.

Hội thảo ICA 2025 sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên quốc tế gặp gỡ, trao đổi kết quả nghiên cứu, cập nhật xu hướng khoa học mới, từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế.

Các bài viết được chấp nhận đăng tại hội thảo sẽ được công bố trong các ấn phẩm đặc biệt của Tạp chí Khoa học Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hội đồng khoa học của hội thảo sẽ lựa chọn các bài viết xuất sắc tại 07 phân ban để xuất bản trong Tạp chí Agricultural and Food Economics (Q1 - Agricultural and Biological sciences), Corporate Social Responsibility and Environmental Management (Q1 - Environmental Studies), Italian Review of Agricultural Economic (Q2 - Economics, Econometrics and Finace), Economia agro-alimentare/Food Economy (Q2 - Agricultural and Biological sciences). Trong khuôn khổ Hội thảo hôm nay, các báo cáo tham luận sẽ được trình bày bởi các nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các trường đại học trong và ngoài nước. Hội thảo quy tụ các diễn giả quốc tế uy tín đến từ nhiều quốc gia, với những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và phát triển bền vững:

Báo cáo chính 1: Dấu chân carbon trong chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm – Công cụ triển khai tính bền vững trong hoạt động nông nghiệp GS. Roberto Leonardo Rana, Đại học Foggia (Ý)

Báo cáo chính 2: Cung cấp thực phẩm bền vững và chiến lược môi trường tại các tổ chức thể thao cơ sở tại Vương quốc Anh
GS. Niki Koutrou, Đại học Sunderland (Vương quốc Anh)

Báo cáo chính 3: Vai trò của khoai lang trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực
GS. Li Huifeng, Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc)

Báo cáo chính 4: Các kỹ thuật chiết xuất vi mô – Một đánh giá phản biện
GS. Maurizio Quinto, Đại học Foggia (Ý)

Báo cáo chính 5: Tính bền vững của các chương trình chất lượng thực phẩm trong EU
GS. Maria Cecilia Mancini, Đại học Parma (Ý)

Báo cáo chính 6: Phát triển hệ thống vận chuyển cấp thực phẩm nhằm thúc đẩy dinh dưỡng chính xác và dinh dưỡng mục tiêu
GS. Guo Yu, Đại học Nông nghiệp Sơn Tây (Trung Quốc)

 

ICA 2025 hứa hẹn sẽ là diễn đàn học thuật chất lượng cao, nơi khơi nguồn các ý tưởng nghiên cứu mới, thúc đẩy kết nối học thuật liên ngành và góp phần hình thành các sáng kiến bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khuôn khổ hội thảo, phiên chiều bắt đầu từ 13h00 – 16h30 bao gồm nhiều bài thuyết trình chuyên sâu và các phiên thảo luận học thuật về các chủ đề đột phá trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Các bài giảng và thảo luận tập trung vào các vấn đề quan trọng như đổi mới sáng tạo, chất lượng thực phẩm, rủi ro trong chuỗi cung ứng nông sản, cũng như các giải pháp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Các phiên thảo luận chiều được chia thành 7 nhóm chuyên đề: 

Phiên 1: Đổi mới và Sáng tạo trong Ngành Nông nghiệp – Thực phẩm

Phiên 2: Đánh giá Chất lượng và Rủi ro trong Ngành Nông nghiệp – Thực phẩm

Phiên 3: Hóa học Xanh và Bền vững

Phiên 4: Công nghệ Sinh học trong Nông nghiệp và Thực phẩm

Phiên 5: Môi trường và Công nghệ Sạch trong Nông nghiệp

Phiên 6: Du lịch Bền vững

Phiên 7: Kinh tế Tuần hoàn và Phát triển Bền vững

Mỗi phiên diễn ra dưới sự chủ trì của các chuyên gia hàng đầu đến từ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu quốc tế. Các diễn giả đã chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, những sáng kiến và giải pháp ứng dụng nhằm giải quyết những thách thức hiện nay của ngành nông nghiệp và thực phẩm, đồng thời tạo ra một môi trường thảo luận sôi nổi và bổ ích. Trước đó, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng có cơ hội tham gia vào Phiên Poster, nơi các nghiên cứu và dự án sáng tạo được trình bày, mở ra không gian trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa các học giả và nhà nghiên cứu.

Hội thảo tiếp tục là một cơ hội quan trọng để các chuyên gia và nhà nghiên cứu giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đồng thời góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Sự kiện này cũng là cầu nối giúp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan, tạo nền tảng vững chắc cho những bước tiến mới trong công cuộc phát triển nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Hội thảo ICA 2025 là một dịp quan trọng để khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là những thách thức về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Đây là một sự kiện đáng nhớ, không chỉ mang đến những kiến thức giá trị mà còn mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các tổ chức, trường đại học và doanh nghiệp quốc tế.