Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm học 2020-2021 của Bộ Công Thương vừa diễn ra chiều ngày 09/12/2021, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, các cơ sở đào tạo Bộ Công Thương đã rất chủ động trong việc vừa phòng chống dịch Covid vừa thay đổi phương pháp giảng dạy để thích nghi với tình trạng giãn cách xã hội, đồng thời cố gắng áp dụng nhiều giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch đã đề ra. Vì vậy, bức tranh giáo dục đào tạo của ngành Công Thương năm học qua có nhiều điểm sáng.

Ngày 9/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2020-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021-2022 nhằm hướng dẫn phổ biến chính sách mới, cũng như triển khai thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa đảm bảo chương trình đào tạo

Báo cáo chung tại Hội nghị về công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm học 2020-2021 của Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lý Quốc Hùng cho biết, năm học 2020-2021 ngành giáo dục nói chung và các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương nói riêng đứng trước các cơ hội và thách thức lớn từ dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường lao động phân hóa mạnh mẽ.

Đặc biệt, với chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, phát triển kinh tế nhanh và tăng trưởng bền vững theo chiều sâu nên việc tập trung phục hồi và phát triển các ngành có công nghệ mới, có năng suất lao động cao sẽ dẫn tới nhu cầu mạnh mẽ đối với những lao động đã được đào tạo với tay nghề thành thục, có kỹ năng, có kỷ luật lao động. Điều này đặt ra yêu cầu lớn về nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, xu thế của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những ứng dụng công nghệ thông tin, robot, tự động hóa… sẽ tác động trực tiếp đến các ngành nghề sử dụng lao động giản đơn, dẫn tới nguy cơ các lao động này bị thay thế bởi các lao động có tay nghề. Nếu không kịp thời thích ứng và đầu tư thỏa đáng cho phát triển kỹ năng thì sẽ không nắm bắt được cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại. Ngoài ra, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ xóa mờ ranh giới giữa các thị trường lao động, nếu không có kỹ năng nghề và tri thức, người lao động sẽ mất việc làm.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lý Quốc Hùng

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường làm cho toàn bộ chương trình đào tạo bị xáo trộn phải xây dựng, thiết kế lại. Chất lượng đào tạo giảm sút do thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thể thực hiện theo kế hoạch. Nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động chuyên môn bị hoãn, hủy thực hiện...

Báo cáo ngắn gọn của Vụ Tổ chức cán bộ và video clip ngắn gọn được trình chiếu tại Hội nghị đã phác thảo bức tranh toàn cảnh về các Trường nói riêng, về công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng của ngành Công Thương năm 2020 - 2021, từ đó cho thấy các Trường đã nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa đảm bảo chương trình đào tạo, tuyển sinh đạt gần 92% kế hoạch đề ra, thích ứng và đa dạng ngành nghề đào tạo theo yêu cầu thị trường, chú trọng và đầu tư nghiêm túc, bài bản, có lộ trình cho việc kiểm định Trường, kiểm định chương trình, nghiên cứu khoa học có nhiều kết quả vượt trội với hơn 44 ngàn sản phẩm do giáo viên, sinh viên thực hiện…

Trong khuôn khổ Hội nghị, các trường đã tích cực gửi bài tham luận và phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo, tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; thúc đẩy hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nhiều khâu của quá trình đào tạo để các sinh viên đáp ứng yêu cầu của công việc ngay sau khi ra trường,… Đó là những điểm sáng trong bức tranh giáo dục đào tạo của ngành Công Thương, là công sức, nỗ lực của các thầy cô trong 1 năm dịch bệnh diễn biến bất ngờ vừa qua. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và chúc mừng các cơ sở đào tạo đạt thành tích năm học 2020-2021.

Bên cạnh đó, qua báo cáo tổng kết và tham luận của các trường, Hội nghị đã thấy được một số hạn chế, tồn tại trong công tác đào tạo ngành Công Thương thời gian qua. Cụ thể: Tuyển sinh trình độ cao đẳng vẫn là bài toán khó đối với một số Trường phía Bắc; Ngành nghề đào tạo mở mới theo nhu cầu xã hội nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; Hoạt động nghiên cứu khoa học đã được chú trọng nhưng chủ yếu tập trung ở các Trường đại học tự chủ, chưa có sản phẩm mang tính đột phá, giá trị ứng dụng cao trong ngành Công Thương; Hoạt động hợp tác quốc tế cũng chỉ tập trung ở một số trường do thiếu đội ngũ đủ năng lực, trình độ ngoại ngữ…

Để đóng góp cho việc xác định phương hướng năm học tới, ở góc độ quản lý nhà nước, tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ (Tổng cục, Cục, Vụ) đã gửi bài tham luận, trực tiếp trao đổi, thảo luận và đưa ra nhận định về nhu cầu, định hướng phát triển nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực liên quan của ngành Công Thương như: công nghiệp xanh, sạch hơn; logistic chuyển dịch trọng tâm về các thị trường đang phát triển tại châu Á; chiến lược phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, hướng về xuất khẩu phải kết hợp song song với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ yêu cầu công nghệ và kỹ năng cao; công tác đào tạo bồi dưỡng công chức quản lý thị trường cần gắn với vị trí việc làm, kỹ năng nghiệp vụ và về lâu dài cần đào tạo bài bản, chính quy cho nguồn cán bộ đầu vào.

10 giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển nhân lực ngành Công Thương

Trên cơ sở phân tích đánh giá một số thành tựu đạt được, những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân; căn cứ các mục tiêu phát triển nhân lực ngành Công Thương và phương hướng năm học 2021 – 2022 của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các Trường triển khai nhiệm vụ theo phương hướng trọng tâm sau:

Tổ chức các hoạt động đào tạo an toàn và linh hoạt gắn với kiểm soát dịch; ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và đạo đức đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế sau Đại dịch.

Các cơ sở giáo dục đại học: tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị ĐH, hướng tới quản trị ĐH 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật- công nghệ, đảm bảo yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Để thực hiện theo phương hướng đó, theo Thứ trưởng, cần chủ động tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả với một số nội dung được gợi ý như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phòng, chống dịch Covid song song với đảm bảo hoạt động đào tạo với các biện pháp chủ động, tích cực hơn.

Thứ hai, đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình. Các Trường chưa tự chủ 100% chủ động rà soát và lên kế hoạch, lộ trình hướng tới tự chủ toàn diện. Các Trường đã tự chủ 100% tăng cường phân cấp, minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, đánh giá của xã hội.

Thứ ba, sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo và tổ chức Nhà trường.

Thứ tư, cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý bằng nhiều biện pháp như: xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc; kết quả nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp, thực hành tại doanh nghiệp...

Thứ năm, xây dựng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như: đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng cao năng lực quản lý đào tạo …

Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Thứ bảy, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc củng cố các kỹ năng ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên, nhân viên và cán bộ quản lý…

Thứ tám, tăng cường nguồn lực đầu tư và sử dụng có hiệu quả.

Thứ chín, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo.

Thứ mười, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Với tinh thần trên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân hy vọng mỗi đồng chí lãnh đạo các trường tự đổi mới tư duy, hình thành tổ chức của mình có văn hóa, chất lượng, sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, tiến tới hợp tác thành công với đối tác trong - ngoài nước để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành Công Thương trong thời gian kế tiếp.

Nguồn: Bộ Công Thương tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ ... (moit.gov.vn)