Ngày 19/04/2025, tại Trung tâm Thông tin Thư viện, Khoa Thương mại, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Một số công cụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm công bố bài báo”. Buổi tọa đàm là một phần trong kế hoạch nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên của trường, với mục tiêu tạo ra những cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, đồng thời khuyến khích giảng viên phát triển đam mê nghiên cứu khoa học.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Phần đầu của tọa đàm được mở đầu bởi TS. Bùi Hoàng Ngọc, người đã chia sẻ các công cụ hữu ích giúp giảng viên nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu khoa học. Các công cụ được giới thiệu bao gồm phần mềm trích dẫn tự động như Endnote và Mendeley, giúp các nghiên cứu viên dễ dàng quản lý tài liệu tham khảo và trích dẫn. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ngọc cũng hướng dẫn cách thức kích hoạt tài khoản và tải bài báo khoa học từ các tạp chí và nhà xuất bản uy tín, giúp các giảng viên tiếp cận những tài liệu nghiên cứu chất lượng.
Các công cụ hỗ trợ ngôn ngữ và cấu trúc câu cũng được giới thiệu như Ref-N-Write, Grammarly và Quillbot, giúp giảng viên cải thiện chất lượng bài viết của mình. Đặc biệt, công cụ chuyển ngữ Qtranslate và Lightkey, công cụ dự đoán từ, là những phần mềm hữu ích cho việc dịch thuật và tối ưu hóa quá trình viết nghiên cứu.
TS. Bùi Hoàng Ngọc chia sẻ các công cụ hữu ích giúp giảng viên nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu khoa học
Ở phần 2 của buổi tọa đàm, các Thầy Cô từ Khoa Thương mại đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc tìm kiếm và công bố bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Các giảng viên đã hướng dẫn cách đọc hiểu tôn chỉ và mục đích của các tạp chí khoa học, giúp các nghiên cứu viên nhận diện được các tạp chí uy tín và tránh được các tạp chí “săn mồi” – nơi yêu cầu khoản phí vô lý từ tác giả mà không đảm bảo chất lượng xuất bản.
Bên cạnh đó, các Thầy Cô cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình phản hồi và xử lý các phản biện từ các tạp chí, làm việc với Tổng biên tập, cũng như kinh nghiệm về thời gian trung bình để một bài báo được xuất bản. Những chia sẻ này giúp các giảng viên hiểu rõ hơn về quy trình công bố bài báo khoa học và tăng cường khả năng cạnh tranh trong môi trường học thuật quốc tế.
PGS. TS. Nguyễn Văn Ít - Trưởng khoa Thương mại phát biểu bế mạc
Tọa đàm kết thúc trong không khí cởi mở và đầy nhiệt huyết. PGS. TS. Nguyễn Văn Ít, trong phần phát biểu bế mạc, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học không chỉ đối với sự phát triển năng lực cá nhân của giảng viên mà còn đối với sự phát triển chung của Trường Đại học Công Thương TP.HCM. PGS. TS. Nguyễn Văn Ít cũng chia sẻ rằng trong thời gian tới, Khoa Thương mại sẽ tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật nhằm tạo ra sân chơi học thuật bổ ích, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học và tạo động lực cho các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ, tham gia vào các nghiên cứu khoa học và công bố bài báo quốc tế.
Buổi tọa đàm với chủ đề “Một số công cụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm công bố bài báo” đã diễn ra thành công tốt đẹp
Buổi tọa đàm không chỉ mang lại kiến thức chuyên môn, mà còn là dịp để các giảng viên Khoa Thương mại giao lưu, học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển học thuật của nhà trường và cộng đồng nghiên cứu.
Ban biên tập website HUIT
TT TS&TT
Theo Khoa Thương mại